Phân loại bao bì đóng gói sản phẩm tại Việt Nam

Ở nhiều nước trên thế giới có ngành công nghiệp bao bì phát triển, người ta phân loại bao bì chủ yếu theo hai tiêu thức là theo vật liệu chế tạo và theo mục đích, tác dụng của bao bì đối với sản phẩm và lưu thông sản phẩm.

Phân loại bao bì ở một số nước trên thế giới

ở Ixraen, bao bì hàng hoá được chia theo vật liệu chế tạo. Theo đó bao bì được phân loại thành: bao bì chất dẻo, bao bì giấy và carton; bao bì bằng sắt tây và nhôm, bao bì thuỷ tinh và các loại khác (chủ yếu là gỗ).

ở Đức, Hà Lan, bao bì được phân loại theo hai tiêu thức cơ bản:

Tiêu thức 1: Phân loại bao bì theo vật liệu chế tạo bao gồm bao bì thuỷ tinh, sắt thép, nhôm, chất dẻo, vật liệu hỗn hợp (chủ yếu là carton);

Tiêu thức 2: Phân loại theo mục đích sử dụng, bao gồm: Bao bì thương phẩm (gồm túi, hộp, chai lọ, giỏ), bao bì ngoài (thứ hai) – bao bì trung gian (dùng để quảng cáo), bao bì vận chuyển (thứ ba) gồm hòm, bao...

Việc phân loại bao bì theo các tiêu thức khác nhau tại Việt Nam

a. Theo tiêu thức công dụng: bao bì được chia làm hai loại.

- Bao bì trong: loại bao bì này dùng để đóng gói hàng hoá, nó trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, thường được bán cùng sản phẩm. Do đó, giá trị của nó được cộng luôn vào giá trị sản phẩm đem bán.

- Bao bì ngoài (hay bao bì vận chuyển): loại này có tác dụng bảo vệ nguyên vẹn số lượng và chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc chuyên chở sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Tuỳ theo loại bao bì có thể thu hồi hay không mà giá trị của nó được tính ngay hoặc tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.

b. Theo số lần sử dụng: bao bì được chia làm hai loại.

- Bao bì sử dụng một lần: đây là loại bao bì được “tiêu dùng”cùng với sản phẩm, chỉ phục vụ cho một lần lưu chuyển của sản phẩm từ khi sản phẩm được sản xuất ra đến khi sản phẩm được tiêu dùng trực tiếp. Do đó giá trị của nó được tính hết vào giá trị của sản phẩm.

- Bao bì sử dụng nhiều lần: loại này có khả năng phục vụ cho một số lần lưu chuyển sản phẩm, tức là có khả năng sử dụng lại. Thường bao gồm các loại bao bì ngoài, bao bì trong, được sản xuất từ các vật liệu bền vững (như kim loại, chất dẻo tổng hợp...). Giá trị của chúng được tính từng phần vào giá trị của sản phẩm tiêu thụ.

c. Phân loại theo độ cứng (độ chịu nén): gồm bao bì cứng, bao bì nửa cứng, bao bì mềm.

- Bao bì cứng: có khả năng chịu được các tác động cơ học từ bên ngoài, tải trọng của sản phẩm bên trong, giữ nguyên hình dạng khi thực hiện việc chứa đựng, vận chuyển, xếp dỡ.

- Bao bì nửa cứng: loại này có đầy đủ tính vững chắc khi thực hiện chứa đựng sản phẩm và vận chuyển; tuy nhiên bị giới hạn ở mức độ nhất định. Nó có thể bị biến dạng dưới sức nặng của hàng hoá, tác động sức ép khi chất đống hàng, tác động cơ học (va đập, rung xóc) khi vận chuyển.

- Bao bì mềm: dễ bị biến dạng khi chịu tác động của trọng tải hàng hoá và tác động cơ học từ bên ngoài, dễ thay đổi hình dạng. Tuy nó chịu được tác động, va chạm trong quá trình bốc dỡ vận chuyển, nhưng bao bì loại này lại là phương tiện để truyền các tác động đó vào hàng hoá và thường dùng cho các sản phẩm dạng hạt, bột, không bị ảnh hưởng bởi các tác động cơ học đến chất lượng sản phẩm.

d. Phân loại theo mức độ chuyên môn hoá bao bì:

- Bao bì thông dụng: loại bao bì này có thể dùng để chứa đựng nhiều loại sản phẩm khác nhau.

- Bao bì chuyên dùng: chỉ được dùng bao gói, chứa đựng một loại sản phẩm nhất định, thường là các sản phẩm có tính chất lý, hoá học, trạng thái đặc biệt. Ví dụ: các chất khí, hoá chất độc hại, dễ cháy nổ...

đ. Phân loại theo vật liệu chế tạo:

Đây là cách phân loại chủ yếu và phổ biến được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý môi trường quan tâm. Theo tiêu thức này bao bì đóng gói được mang tên gọi của các loại vật liệu chế tạo ra nó. Bao gồm các nhóm:

- Bao bì gỗ: bao bì gỗ có đặc điểm là dễ sản xuất, dễ sử dụng, có độ bền tương đối cao, có khả năng thu hồi sử dụng lại, vật liệu dễ khai thác. Nhưng loại bao bì này có trọng lượng tương đối nặng, chịu ẩm kém (dễ hút nước), dễ cháy, dễ bị phá hoại bởi các vật gặm nhấm (mối, mọt, chuột...). Bao bì gỗ thường ở dạng hòm, thùng chứa đóng kín hoặc có các kẽ hở nhất định.

- Bao bì bằng kim loại: loại này khắc phục được các nhược điểm của bao bì bằng gỗ nhưng chi phí vật liệu cao, trọng lượng của một số kim loại nặng, do đó thường sử dụng cho các loại sản phẩm đặc biệt: dễ cháy, nổ, dễ bay hơi, chất độc hại, sản phẩm dạng lỏng, ví dụ: xăng, dầu, ôxy, hyđrô khí nén, thuốc trừ sâu... Bao bì kim loại có khả năng sử dụng nhiều lần.

- Bao bì bằng giấy, carton và bìa: đây là loại bao bì phổ biến hiện nay trên thị trường quốc tế và trong nước. Nó chiếm khoảng 70% các loại bao bì sử dụng. Loại bao bì này có các tính chất sau: Về mặt lý học: chống ẩm (bền với nước), chịu xé, chịu gấp và chịu sự va đập (có độ cứng cao); Về hoá học: bền với hoá chất, bền với nhiệt (chịu nóng tốt), bắt lửa kém, chống được côn trùng, vi trùng; Sinh lý học: không mùi, không vị, không độc; Tâm lý học: bề mặt phẳng, dễ in ấn trang trí, dễ sử dụng. Loại này có khả năng thu hồi vật liệu để tiếp tục quá trình sản xuất các loại bao bì hàng hoá khác.

- Bao bì bằng thuỷ tinh, đồ gốm: thường để chứa đựng các sản phẩm dạng lỏng như dược phẩm, hoá chất, rượu bia, nước giải khát... loại này không độc, không phản ứng với hàng hoá, có độ cứng nhất định, nhưng rất dễ vỡ khi bị va chạm, rung xóc trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ.

- Bao bì hàng dệt: vật liệu chủ yếu là các loại sợi đay, gai , vải, sợi nylon. Đây là loại bao bì mềm, thường chứa đựng các loại sản phẩm dạng hạt rời. Loại này có độ bền nhất định, dễ chất xếp nhưng dễ bị côn trùng gặm nhấm và gây bụi bẩn.

- Bao bì bằng mây, nứa, tre đan: bao bì này thường ở các dạng giỏ, lẵng, thúng, rổ. Đây là loại bao bì nửa cứng, nguồn vật liệu dồi dào, sản xuất đơn giản, tiện lợi trong sử dụng. Bao bì này thường để vận chuyển, chứa đựng sản phẩm rau quả và một số sản phẩm khác.

- Bao bì bằng các vật liệu nhân tạo, tổng hợp các loại vật liệu, như các loại bao bì được sản xuất từ chất liệu pôlime, cao su nhân tạo, màng chất dẻo, bao bì nhựa cứng... hoặc kết hợp nhiều loại vật liệu khác để sản xuất ra các loại bao bì đảm bảo được yêu cầu trong bảo quản, vận chuyển sản phẩm.

e. Phân loại theo nguồn gốc của bao bì gồm có

Bao bì các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất: là loại bao bì dùng để bao gói sản phẩm trong khâu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Bao bì hàng hoá của các DNTM: là loại bao bì chứa đựng hàng hoá chia lô, ghép đồng bộ và vận chuyển hàng hoá trong kinh doanh của DNTM. Ngoài các tiêu thức trên, có thể phân loại bao bì theo các tiêu thức khác như độ thấm nước, mức chất lượng, trọng lượng tương đối của bao bì, theo kiểu dáng hình học...

Tuy cách phân loại bao bì mang tính tương đối nhưng mỗi cách phân loại đều có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu sản xuất, sử dụng, quản lý và có những biện để phát huy những chức năng của bao bì đối với nền kinh tế quốc dân và với hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.